Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Posted by jinson on 00:13 No comments

Từ năm 1980 trên tạp chí Đông y số 166 trang 28, bác sĩ Trần Văn Tích đã viết bài “Thử bàn về một vị thuốc miền Nam, cây Tiêu lốt”. Tác giả đã kết luận với đại ý là: “Cây Lá lốt không có tên khác là Tất bát. Tất bát là tên Hán của cây Tiêu lốt ở miền Nam. Các tài liệu dược liệu học của ta cần xét lại vấn đề này”.



Nhiều năm đã qua mà vẫn chưa có một tài liệu nào đề cập lại vấn đề trên một cách chính thức. Những tài liệu do cá nhân viết đã có nhiều thay đổi và có những ghi chú thêm, gần phù hợp với ý kiến của bác sĩ Trần Văn Tích đã nêu trong bài viết nói trên. Dược điển Việt Nam xuất bản lần thứ 3 đã viết tương đối đầy đủ về 2 dược liệu này và đầy đủ nhất từ trước đến nay để việc sử dụng từ đây khoa học hơn (trang 396 và 466).Trong lúc đó tài liệu Vụ Y học Cổ truyền -  Bộ Y tế (2005) và một số sách báo lại vẫn cho Lá lốt là Tất bát.
Để thiết thực hưởng ứng kịp thời, đưa Y học cổ truyền vào y tế cộng đồng với phương châm “An toàn và hiệu lực của thuốc cổ truyền”, chúng tôi xin phép nêu lại vấn đề này.
Trên một số tài liệu đã công bố từ trước đến nay, chúng tôi thấy như sau:

1. Tình trạng không thống nhất
Tên Tất bát và Lá lốt là 2 tên của 2 cây khác nhau
Lá lốt, tên khoa học là Piper lolot C.DC; thuộc họ Hồ tiêu (PIPERACEAE). Tất bát hay còn được gọi là Tiêu lốt, tên khoa học là Piper longum, cùng thuộc họ Hồ tiêu. Trên thực tế, việc dùng tên và phân biệt hai loại cây này không có sự thống nhất trong các tài liệu.
• Từ điển Từ hải - Bộ thảo ghi:
Tất bát: Tên latinh là Piper longum. Họ Hồ tiêu Piperaceae. Trong quyển này cũng như các tài liệu khác của nhiều tác giả Trung Quốc khác đều mô tả về thực vật học của Tất bát không giống cây Lá lốt (Piper lolot). 
Ví dụ, tháng 7, kết quả to như ngón tay út dài 2 tấc màu xanh đen. Nghĩa là khác với quả cây Lá lốt (Piper lolot), bông cái chỉ dài khoảng 1cm. Để làm thuốc, Tất bát dùng quả trong khi cây Lá lốt dùng lá rễ là chính.
Tất bát đã được xác định tính vị, quy kinh: Tính cay nóng (đại ôn) vào 2 kinh vị và đại tràng. Công năng chủ yếu ích trung tán hàn, kiện vị, trấn thống, chữa đau dạ dày, đau đầu, đau răng và chống viêm mũi mạn tính.
Trong lúc đó cây Lá lốt vẫn còn dùng trong phạm vi dân gian. Dùng chữa đau xương khớp, đổ mồ hôi tay, chân, ỉa lỏng… Ngoài dùng 5 - 10 lá khô hay 15 - 30 lá tươi sắc uống hoặc ngâm trong chậu. Bệnh nhẹ dùng thức ăn rau. Chữa bệnh dùng rễ.
• Cây thuốc Campuchia - Lào - Việt Nam - Petelot (tiếng Pháp) tập 3 trang 33Lá lốt, tên latinh là Piper lolotTất bát là tên Hán. Tên nôm là Tiêu lốt, tên la tinh Piper longum.
Qua mô tả thực vật thì Tất bát - Tiêu lốt rất quen thuộc với nhân dân miền Nam được trồng trong vườn hoặc bờ rào. Dùng làm thuốc và gia vị thay hạt tiêu.
• Phạm Hoàng Hộ - Sách cây cỏ miền Nam Việt Nam, quyển I trang 259 viết: 
Tiêu lốt: Piper longum. Khi hỏi về cây Lá lốt (không được viết trong sách này) thì tác giả nói: Cây Lá lốt là một cây khác có lẽ là Piper sarmentasun R (như đã được ghi trong Quảng Châu thực vật chí, trang 102).
• Từ điển Y dược Pháp - Việt của Bộ Y tế tập 2, phần dược trang 195 ghi rõ: 
Piper longum Lin (Poivre long sm) cây Tất bát.
Piper lolot DC (Poivre lolots sm) cây Lá lốt.
• Tuệ Tĩnh toàn tập của Hội Y học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh xuất bản 1986 có sửa chữa bổ sung:
• Phần Nam dược thần hiệu - 10 khoa chữa bệnh. Quyển đầu trang 15. Loại cỏ hoang. Mục 9 viết: Tất bát Lá lốt. Cuối trang chi chú: Tất bát là Tiêu lốt, cùng họ, cùng với chi với cây Lá lốt, được dùng thay.
• Phần Hồng nghĩa giác tư y thư. Quyển thượng Nam dược quốc ngữ phú (trang 458 dòng 2) viết: Trái cây Lốt (Tiêu lốt) người rằng Tất bát.
• Lê Trần Đức - Lược sử thuốc Nam và dược học Tuệ Tĩnh -  Nhà xuất bản Y học, chi nhánh miền Nam, trang 118-16. 
Trái cây Lốt (Tiêu lốt) người rằng Tất bát. Trang 201 - 77. Tất bát tục gọi Lá lốt và chú thích: Tất bát là cây Tiêu lốt hình dạng giống cây Lá lốt. Cùng họ cùng chi. Đây dùng Lá lốt như Tất bát.
Tên Lá lốt và Tất bát là của một cây (Lá lốt, tên khác là Tất bát)
• Thuốc nam châm cứu tập 2 phần dược của Viện Đông y trang 58.
• Dược liệu Việt Nam của Bộ Y tế. In lần thứ 2 trang 336 (tài liệu tra cứu tiêu chuẩn ngành).
• Cây thuốc Việt Nam của Viện Dược liệu, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật 1990, trang 313.
• Sổ tay cây thuốc của Viện Dược liệu. Nhà xuất bản Y học, in lần thứ 3 - 1980 có sửa chữa bổ sung những cây mới độc đáo của miền Nam Việt Nam.
• Medicine traditionnelle Vietnamien của Nhà xuất bản Ngoại văn 1993. Quyển tiếng Pháp trang 79.
• Dược tính Nam Bắc - Lương y Lê Đình Thăng, Bệnh viện  YHDT Hà Sơn Bình xuất bản 1991 - trang 90.Và một số sách báo khác v.v…Một số tài liệu chỉ nói một cây, một tên:
• Dược điển Việt Nam II (tập 2 và 3)
• Những cây và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất LợiHai tài liệu này chỉ nói đến cây Lá lốt (Piper lolot) mà không nói đến Tiêu lốt (Piper longum).
• Cây thuốc miền Nam Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ lại chỉ nói đến cây Tiêu lốt (Piper longum) mà không hề nói đến cây Lá lốt (Piper lolot) hoặc gọi tên khoa học của Lá lốt là Piper sarmantosum Roxb.



2. Một số đề nghị•  Các tài liệu cần được viết thống nhất để tiện tra cứu.
•  Đặc biệt quan tâm tài liệu được xem là chuẩn dùng để tra cứu (Ví dụ Dược điển Việt Nam và Dược liệu Việt Nam, sách báo của Bộ Y tế)
• Nếu dùng: Lá lốt thì ghi Lá lốt (tên latinh Piper lolot DC); Tiêu lốt chú Tất bát (Piper longum L); Không gọi Lá lốt là Tất bát. 
Đối với các sách sắp xuất bản nếu mới viết lần đầu về các cây này, cần phân biệt rõ để tiện cho những trường hợp cần tham khảo. Nếu sắp tái bản thì cần sửa chữa bổ sung. Sách đã xuất bản nếu cần thì đính chính.
• Nếu đi sâu vào nội dung tính năng công dụng của mỗi vị thuốc này, nhất là về vị thuốc Tất bát trong y văn cổ đã mô tả sẽ càng thấy cần thiết phải phân biệt rõ 2 vị thuốc này. Chúng không thể có chung tên dẫn đến việc sử dụng tùy tiện hạn chế phát huy tiềm năng đặc thù của mỗi vị thuốc Lá lốt và Tiêu lốt (Tất bát).

Phó Đức Thuần (CTQ số 79)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét