Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Posted by jinson on 00:06 No comments

Tiêu lốt (Long pepper) có lẽ đã đến Âu Châu trước tiêu đen (Black pepper) từ lâu.Tiêu lốt được đánh giá cao trong thời đế quốc La Mã và được định giá cao gấp ba lần hơn tiêu đen và vị của tiêu lốt, vừa cay vừa ngọt, rất thích hợp với các món ăn và khẩu vị La Mã. Ngày nay, tiêu lốt rất ít được biết đến và trở thành ít thông dụng, khó tìm tại Âu và Mỹ Châu.

Tiêu lốt dùng để làm gia vị và làm thuốc
Tiêu lốt dùng để làm gia vị và làm thuốc


Tiêu lốt được đưa đến Hy Lạp trong khoảng thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch và Hippocrates có lẽ là người đầu tiên đã ghi chép trong sách, xem Tiêu lốt như một vị thuốc hơn là một gia vị. Đối với người Hy Lạp, La Mã và Âu Châu (cho đến khi tìm ra Tân Thế Giới), tiêu lốt là một gia vị quan trọng và thông dụng, không phân biệt rõ ràng với tiêu đen. Theophrastus là người đầu tiên đã phân biệt hai cây tiêu lốt và tiêu đen. Pliny đã nhầm lẫn khi cho rằng các hạt tiêu lốt và tiêu đen đều do từ một cây 'piper'. Hạt tiêu đen bắt đầu 'cạnh tranh' với tiêu lốt, tại Âu Châu, từ thế kỷ 12 và sau đó chiếm hẳn thị trường từ thế kỷ 14.

Trái tiêu lốt ăn rất thơm
Trái tiêu lốt ăn rất thơm 


Tên khoa học và các tên khác:
Piper longum thuộc họ thực vật Piperaceae
Tên đồng nghĩa: Chavica roxburghii
Các tên khác tại Việt Nam: Tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tim.
Tên Anh-Mỹ: Long pepper, Indian long pepper; Pháp: Poivre long; Ý: Pepe lungo, pepe di Marisa; Đức: Langer pfeffer;
Philippines: Litlit; Thái: Dipli; Khmer: Morech ansai; Lào: Sala-pi; Nhật: Indonaga koshô; Đại Hàn: Pil-bal; Ấn Độ: Pipal, pipalli (Hindi); Magadhi (Phạn); Jatya (Bengal; Hán-Việt: Tất Bạt (bi-ba); Trường tiêu (Chang jiao)

Vấn đề định danh:
Như đã trình bày trong bài Lá lốt, chúng tôi xin dùng tên Tất Bạt để gọi tiêu lốt. Đa số các tài liệu về Dược học cổ truyền Việt Nam cũng dùng Tất bạt để gọi Piper longum. Dược điển Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ghi “Piper longum = Bi-ba”.
Về phương diện thực vật, tên Long pepper cũng gây một số vấn đề cần chú ý:
Một số tài liệu như 'Philippines Medicinal Plants' gọi chung Piper longum và Piper refractorum là Long pepper, xem như tên đồng nghĩa của một cây duy nhất.
Flora of China (Vol 4, trang 110) chia thành 2 cây khác biệt với những đặc điểm thực vật khác nhau.
Sách tra cứu cây cỏ VN (Võ văn Chi) trang 417 ghi Piper longum= Tiêu dài và Piper retrofractum= P. officinalis = Tiêu dôi, Trầu cảnh.

Đặc tính thực vật:
Cây thuộc loại thân thảo, phần gốc mọc bò. Thân cành mang hoa, không lông, đứng thẳng, có thể cao 2-4 m. Lá mọc so le, có cuống ngắn; Phiến lá hình trứng, thuôn, dài khoảng 6-7.5 cm, rộng 3-5 cm: gốc hình quả tim, hơi lệch một bên; đầu lá nhọn; mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông nhỏ. Lá có 5-7 gân.
Cụm hoa mọc thành bông. Hoa đơn tính: Hoa đực dài khoảng 3.5 cm, có trục nhẵn, lá bắc tròn; hoa đực có 2 nhị. Hoa cái ngắn hơn, khoảng 1.5 cm, có cuống ngắn.
Cụm quả hình trụ, hơi cong, do nhiều quả mọng nhỏ tập họp tạo thành, dài 1.5-3.5 cm, đường kinh 0.3-0.5 cm, mặt ngoài màu đen hay nâu. Gốc cụm quả có cuống còn sót lại hay vết của cuống đã rụng. Quả mọng nhỏ, hình cầu. Hạt tròn hay gần như tròn cỡ 2-2.5 mm
Tiêu lốt là cây thuộc vùng nhiệt đới Á châu: phân bố tự nhiên tại Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nam Trung Hoa (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây), Đông Nam Á (Việt-Miên-Lào), Thái, Mã Lai, Singapore, Phi. 
Tại Việt Nam, cây tương đối phổ biến ở các tỉnh vùng cao nguyên trên toàn quốc.

Thành phần hóa học:
Quả chứa:
Nhiều alkaloids loại piperidine, cùng các chất chuyển hóa gồm: piperine (quan trọng nhất, chiếm 4-5 %), methyl piperine, pipernonal ine, piperettine, asarinine, pellitorine, piperundecalidine, piperlongumine, piperlonguminine, retrofractamide A, pergumidiene, brachystamide A và B, brachystine, pipercide, piperderidine, longamide.
Ligans: Sesamin, pulviatilol, fargesin cùng một số hợp chất phức tạp khác.
Esters như Tridecyl-dihydro-p-coumarate, eicosanyl-(E)-p-coumarate và Z-12-octadecenoic-glycerol-monoester
Tinh dầu: Tinh dầu trong quả là một hỗn hợp phức tạp , trong đó ba chất chính (không kể piperine) là caryophyllene và pentadecane (mỗi chất chiếm khoảng 17.8 %), và bisaboline (11 %). Ngoài ra còn có thujine, terpinoline, zingi berine, p-cymene, p-methoxyacetophenone và dihydro car veol, những monocyclic sesquiterpenes.
Nhựa (Resins)
Sterols: dihydrostigmasterol, piplasterol
Rễ chứa:
Các alkaloids như piperine, piperlongumine, tetrahydropipe rlongumine, trimethoxy cinnamyol-piperidine và piperlongu minine.
Hạt chứa: sylvatin, sesamin và diaeudesmin.

Xuất khẩu tiêu lốt đi hàn quốc
Tiêu lốt nhiều công dụng


Các nghiên cứu về dược tính:
Tiêu lốt được nghiên cứu rất nhiều: PubMed liệt kê đến trên 5100 kết quả
Hoạt tính kích ứng Hệ Miễn Nhiễm:
Các thử nghiệm trên chuột, dùng các test như đo phản ứng ngưng tụ máu (haemagglutination), chỉ số chuyển dịch đại thực bào (macrophage migration), chỉ số thực bào ghi nhận Piper longum có những hoạt tính kích khởi hoạt động của hệ miễn nhiễm cả hai cách: chuyên biệt và không chuyên biệt. Hoạt tính rõ rệt ở các liều thấp (225 mg/kg), và hầu như giảm bớt khi dùng những liều cao hơn (Phytotherapy Research Số 13-1999). 
Hoạt tính kích thích Hệ Thần Kinh trung ương:
Piperine có hoạt tính kích thích thần kinh trung ương khi thử trên ếch, chuột nhắt và chó, đồng thời gia tăng tính gây ngủ nơi chuột. Piperine đối nghịch lại với hoạt tính ức chế hô hấp tạo ra bởi morphine hay pentobarbitone khi thử trên chó bị gây mê (Journal of Research into Indian Medicine Số 8-1973). Dịch chiết từ quả bằng petroleum ether cũng đối kháng tác động ức chế hô hấp của morphine trên chuột(Indian Journal of Pharmacology Số 13-1981). Một nghiên cứu so sánh giữa piperine và nalorphine về hoạt tính đối kháng ức chế hô hấp và hoạt tính giảm đau của morphine ghi nhận cả hai (piperine và nalorphine) đều làm đảo ngược sự ức chế hô hấp, nhưng piperine không gây đảo ngược được sự giảm đau như nalorphine (Indian Drugs Số 21-1984).

Khả năng trị suyễn:
Dịch chiết từ quả có hoạt tính bảo vệ cơ thể chống lại các phản ứng loại dị ứng khi thử trên chuột và bảo vệ chuột bọ chống lại sự co thắt khí quản gây ra bởi các sinh kháng thể (Indian Journal of Pharmacology Số1-1969)

Hoạt tính bảo vệ gan:
Piperine có hoạt tính bảo vệ gan rõ rệt, chống lại tác hại gây ra cho gan bởi tertiary buryl hydroperoxide và carbon tetrachloride trong các thử nghiệm in vivo và in vitro, do khả năng làm giảm các phản ứng lipid per-oxyhóa (Planta Medica Số 59-1993). Dịch chiết từ quả, khi dược thử nghiệm (trên thú loải gậm nhấm) về khả năng bảo vệ gan chống lại các loại tác hại gây ra cho gan bởi CCl4 (hư gan cấp tính, kinh niên, hư gan có thể và không thể đảo nghịch), dùng các chỉ số sinh học như sinh thiết mô gan, chỉ số sinh hóa cho thấy dịch chiết giúp cải thiện được tiến trình tái tạo tế bào gan, giới hạn sự sơ gan nhưng không bảo vệ được những hư hại tế bào do hư gan cấp tính (Indian Drugs Số 21-1984)
Khả năng làm hạ cholesterol và triglycerides trong máu:
Methylpiperine có tác dụng làm hạ cholesterol tổng cộng trong máu chuột thử nghiệm cho ăn một chế độ ăn uống chứa nhiều cholesterol. Phần không bị savon hóa trong tinh dầu tiêu lốt cũng làm hạ cholesterol tổng cộng và cholesterol trong gan khi thử trên chuột bị gây cao cholesterol (Trung Dược tạp chí, các số 23-1992 và 24/1993): Piperine, piperlonguminine và pipernonaline, trích từ quả tiêu lốt bằng ethanol có hoạt tính làm hạ cholesterol và mỡ trong máu có thể so sánh với simvastatin (Phytotherapy Research Số 23-2009)

Hoạt tính chống sưng và làm giảm đau:
Nước sắc từ quả có hoạt tính chống sưng khi thử trên chuột bị gây sưng phù chân bằng carageenan (Indian Bületin of Medical and Ethnobotanical Research Số 2-1980)
Nước sắc từ rễ thử trên chuột cho thấy có hoạt tính giảm đau rõ rệt. Chuột được thử bằng các test quậy đuôi và co giật thân sau khi bị chích bằng acetic acid. Pentazocin và Ibuprofen được dùng làm thuốc đối chứng. Kết quả ghi nhận: Dịch chiết ở các liều 400 và 800 ng/kg có hoạt tính chống đau tựa như NSAID (như ibuprofen): Dịch chiết (liều 800 mg/kg) và ibuprofen (40 mg/kg) bảo vệ được chuột không bị co giật thân vơi tỷ lệ 50%, nhưng trong test quậy đuôi do kích ứng nhiệt, dịch chiết (ở mọi liều lượng) hầu như không tác dụng (chỉ đạt độ bảo vệ 6%, trong khi pentazocin bảo vệ đến 100 %) (Indian Journal of Experimental Biology Số 41-2003)

Khả năng diệt vi khuẩn và ký sinh trùng:
Tinh dầu tiêu lốt có khả năng diệt khuẩn khi thử trên nhiều vi trùng. Dịch chiết bằng thanol 50 % từ quả lại hầu như không có hoạt tính. Piperlonguminine có hoạt tính mạnh trên Bacillus subtilis trong khi đó Piperine lại ưc chế mạnh sự tăng trưởng của Staphylococcus aureus (Pharmaceutical Biology Số 39-2001)
Quả có hoạt tính diệt được ký sinh trùng Entamoeba histolytica (gây kiết lỵ). Dịch chiết bằng methanol và piperine đều có hoạt tính giúp cải thiện (90% và 40%) tình trạng bệnh của chuột bị nhiễm amib nơi ruột cùng. Chuột bị gây nhiễm amib bằng cách chích trực tiếp bào tử ký sinh trùng vào ruột cùng, sau đó được điều trị bằng dịch chiết trong 5 ngày liên tiếp, metronidazole được dùng làm thuốc đối chứng. Các liều 1000 mg/kg /ngày hữu hiệu đến 100 %, 500 mg/kg/ngày hữu hiệu 93 % và 250 mg/kg/ngày: 46 %, trong khi đó liều metronidazole 25 mg/kg/ngày đạt kết quả 100 % và 62.5 mg/kg/ ngày: 60 % (Journal of Ethnopharmacology Số 91/2004)
Nước chiết từ quả (dùng nồng độ 250 microgram/mL) và dịch chiết bằng ethanol (125mcg/mL) có khả năng diệt ký sinh trùng Giardia lamblia (gây bệnh nơi phụ nữ) đến 100 %(Phytotherapy Research Số 13-1999) 
Piperine có hoạt tính diệt các vi khuẩn E. coli (125 mcg/mL), Staphylococcus aureus (14 mcg/mL), Salmonella typhii (180 mcg/mL), Enterococcus foecalis (15 mcg/mL), Pseudomonas aeruginosa (52 mcg/mL và trên các vi khuẩn Mycobacterium (gây bệnh lao) đã kháng nhiều thuốc (Multi-Drugs Resistant Mycobacterium) như M. smegmatis (3mg/mL), M. tuberculosis (39 mcg/mL) (International Journal of Phytomedicine Số 3-2011)



Các hoạt tính khác:
Piperine có tác dụng chống trầm cảm do ức chế hoạt động của men MonoAmineOxydase (MAO) (Chemical and Phar maceutical Bulletin Số 53-2005)
- Piperine có khả năng gây tăng nhiệt trong cơ thể, làm tăng hiệu ứng sinh-khả dụng (bioavailability) của beta-carotene, curcumin, selenium, pyridoxine…; có thể dùng làm một 'chất hỗ trợ' chức năng cho hoạt động của não bộ (Food and Chemical Toxicology Số 46-2008)
- Dịch chiết từ quả bằng alcohol và piperine có hoạt tính diệt một số dòng tế bào ung thư thử nghiệm: Dịch chiết bằng acohol có tác dụng diệt bào 100 % khi dùng ở nồng độ 500 mcg/ml đối với tế bào ung thư loại Dalton lymphoma ascite (DLA) và ở nồng độ 250 mcg/ml đối với tế bào ung thư loại Erhlich ascite carcinoma (EAC), trong khi đó Piperine diệt bào DLA và EAC ở cùng nồng độ 250 mcg/ml. Cả 2 chất đều có hoạt tính khi thử nghiệm trên môi trường cấy tế bào ung thư loại L 929 (ở nồng độ 100 và 50 mcg/ml). Khi cho chuột đã bị gây ung thư DLA và EAC dùng dịch chiết với liều 10mg/ ngày hoặc piperine (1.14 mg/ngày), bướu ung thư ngưng tăng trưởng, chuột kéo dài thêm đời sống được 30-50 % (Journal of Ethnopharmacology Số 90-2004)

Tiêu lốt được dùng làm gia vị và làm thuốc trong dân gian
Tiêu lốt được dùng làm gia vị và làm thuốc trong dân gian


Độc tính và liều lượng:
Tiêu lốt, được dùng làm gia vị và làm thuốc trong dân gian, nên thường được xem là an toàn khi sử dụng với những số lượng vừa đủ. Tuy nhiên, do quả được ghi nhận là có hoạt tính ngừa thai khi thử trên thú vật nên tránh dùng cho phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ.
Piperine có những hoạt tính tương tác sinh học: can thiệp vào các hoạt động xúc tác sinh hóa của một số men (enzyme) trong cơ thể như ức chế men Arylhydrocarbon hydrolase (AHH) và UDP- glucoryltransferase nơi gan nên có khả năng gây thay đổi sự hấp thu phenytoine và barbiturates trong cơ thể.
Tiêu lốt có thể gây tăng hiệu ứng thuốc và tăng phản ứng phụ khi dùng chung với phenytoin (Dilantin), propranolol (Inderal), theophylline.
Thử nghiệm trên thú vật cho dùng liều (duy nhất) 3g/kg trọng lượng cơ thể và liều 100 mg/kg dùng liên tục trong 90 ngày không gây các phản ứng độc hại (Plants Food and Human Nutrition Số 52-1998).

Liều LD50:
Piperine: 56.2 mg/kg
Piperlongumine: 110 mg/kg
Piperlonguminine: 115 mg/kg

Tiêu lốt trong Dược học dân gian:
Dược học cổ truyền Việt Nam và Trung Hoa:
Dược học cổ truyền Trung Hoa dùng quả làm vị thuốc dưới tên Tất Bạt. Tên Tất Bạt = Bibo là do người Tàu phiên âm từ tên Ấn Độ của cây:Pippali
Vị thuốc đã được ghi chép lần đầu tiên trong Tân Tu Bản Thảo và sau đó trong các sách thuốc cổ như:
Hải Dược Bản Thảo
Bản Thảo Thập Di
Cảnh Nhạc Toàn Thư
Bản Thảo Cương Mục (Lý Thời Trân)

Tất Bạt được xem là có vị cay, tính nhiệt, quy vào các kinh mạch thuộc Vị và Đại tràng. Tất bạt có các tác dụng:'ôn trung' (làm ấm Trung tiêu), chỉ thống, tán hàn, giáng Khí…, thường dùng để trị các chứng bụng lạnh, đau, nôn, buồn ói, tiêu chảy.
(Tuy Tât bạt được chính thức ghi trong Dược Điển Trung Hoa là quả của Piper longum, nhưng tại Đài Loan quả của Piper kadsura và tại Okinawa quả của P. hancei cũng được dùng để thay thế) 
Dược học cổ truyền Việt Nam dùng tiêu lốt để trị đau bụng, 'lạnh' bao tử, nôn-ói ra nươc chua, sôi bụng, tiêu chảy, đau nhức đầu, chảy nước mũi, viêm xoang, đau răng sâu, kinh nguyệt không đều.

Dược học cổ truyền Ấn Độ (Ayurveda):
Tiêu lốt hay Pippalli là một trong những vị thuốc quan trọng của Dược học cổ truyền Ân Độ. Các bộ phận của cây được dùng để trị nhiều chứng bệnh trong dân gian.
Quả, ngoài vai trò gia vị, đưọc xem là có tác dụng kích thích tiêu hóa, kiện vị, giúp bao tử tiêu hóa thực phẩm, bổ gan. Quả dùng chung với mật ong để trị suyễn, ho, đau cổ họng.
Rễ = Pipalli mula, cũng là một vị thuốc kich thích thèm ăn, còn dùng trị đau nhức, gout, sưng xương khớp, giun sán
Toàn cây dùng trị tiêu chảy, các bệnh về lá lách.
Một phương thuốc ayurvedic thông dụng tại Ấn Độ là Trikatu gồm: tiêu lốt, tiêu đen và gừng.

Tiêu lốt dùng làm gia vị:
Về phương diện sử dụng làm gia vị, không có sự phân biệt giữa Tiêu lốt (P. longum) và Tiêu dội (P. retrofractum).
Tiêu lốt được dùng khá thông dụng trong các món ăn Ấn Độ và Bắc Phi. Do sự khác biệt trong thành phần terpene nên tiêu đen không thay thế được tiêu lốt. Hương vị của tiêu lốt được xem là pha trộn giữa cay và ngọt. Tiêu lốt cay hơn tiêu đen nên người 'ít ăn cay' nên thận trọng.
Tại Bắc Phi, nơi các vùng Hồi giáo (Bắc và Đông Phi Châu), Tiêu lốt đã được các nhà buôn Ả Rập đem đến và trở thành một gia vị thông dụng dùng trong nhiều món ăn truyền thống địa phương nhất là Maroc và Ethiopia:
Tại Maroc, tiêu lốt là một trong những gia vị tạo thành hỗn hợp “ras el hanout” dùng trong nhiều món ăn truyền thống.
Tại Ethiopia: tiêu lốt quan trọng hơn, dùng trong các món thịt hầm (wat) như bò hầm (siga wat), gà hầm (doro wat). Tiêu lốt được pha trộn với tiêu đen, đậu khấu, đinh hương và nghệ. Hỗn hợp trộn Berbere của Ethiopia gần tương tự với marsala của Ấn Độ, được dùng để ướp các món ăn từ thịt trừu.

Tài liệu sử dụng:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập 2 (Viện Dược Liệu)
Flora of China: Piper (Vol 4, pg 10)
Medicinal Plants of China (James Duke)
Medicnal Plants of India (S.K. Jain & Robert DeFilipps)
Major Herb of Ayurveda (Elizabeth Williamson)
Ayurveda Pharmacopoeida of India (Government of India)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét